Bệnh tiểu đường được xem là một căn bệnh thế kỷ đáng báo động trên toàn thế giới. Nếu không tích cực chữa trị bệnh có thể dẫn đến các tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ bị bệnh động mạch vành, đột quỵ, mù lòa, tổn thương thần kinh, hoặc phải đoạn chi. Trước thực trạng đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu và chiết xuất một số hoạt chất từ thảo dược có tác dụng hạ lượng đường trong máu rất tốt. Công trình nghiên cứu này được Tổ chức Y tế Thế giới WHO ghi nhận trong sách yếu lược chữa bệnh toàn cầu.
Các nghiên cứu thực nghiệm đồng thời trên những người tình nguyện viên đều xác nhận tác dụng hạ đường huyết của một số thảo dược rất hiệu quả nhất là ở những bệnh nhân tiểu đường không tùy thuộc vào insulin, còn gọi là tiểu đường tuýp 2.
• Hạt methi (Trigonella faenum graecum – Fabaceae)
Hạt methi có chứa nhiều khoáng tố, vitamin, alkaloid trigonellin, choline, saponin, chất dầu, flavonoid và chất nhầy. Đây đều là những chất có ích cho cơ thể. Theo y học cổ truyền hạt methi có vị đắng tính ấm, có tác dụng ôn thận, tán hàn, chỉ thống, được dùng trị tạng thận hư yếu, đường huyết cao, đau dạ dày, đau ruột, suy yếu sinh lý và thiếu sữa sau sinh.
Ngoài tác dụng hạ đường huyết, hạt methi còn làm giảm được một số triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều lần, yếu mệt và sụt cân. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới sử dụng hạt methi như một loại thực phẩm hoặc gia vị vì rất tốt cho sức khỏe. Các bà nội trợ cũng nên có một ít hạt methi trong bếp ăn của mình. Ở Ấn Độ, mọi gia đình đều sử dụng hạt methi như một loại gia vị để làm thơm các món ăn. Hạt màu vàng có vị hơi đắng, gần như cần tây. Cách chế biến tốt nhất là rang hạt cho khô trước khi dùng để làm bớt vị đắng (tuy nhiên nếu rang quá độ, hạt sẽ mất ngon). Hạt cũng có thể cho nẩy mầm để làm rau mầm và ăn như salad.
Để ổn định đường huyết, mỗi ngày uống 2 muỗng bột hạt methi hòa trong nước canh hoặc sữa. Cách thứ hai là ngâm 2 muỗng hạt trong một cốc nước lạnh vào buổi tối và sáng dậy uống hết nước trong cốc.
• Nha đam (Lô hội Aloe vera – Asphodelaceae)
Một nghiên cứu được thực hiện trên chuột năm 2013, chứng minh việc sử dụng lô hội để điều trị chứng tiểu đường ở chuột vì hoạt chất từ lô hội giúp bảo vệ và sửa chữa các tế bào beta trong tuyến tụy sản xuất insulin. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này có thể là do tác dụng chống oxy hóa của lô hội.
Theo một nghiên cứu mới từ Thái Lan, việc bổ sung bằng lô hội có thể giúp cải thiện nồng độ HbA1c ở những người mắc bệnh tiểu đường típ 2 và giảm mức đường huyết lúc đói ở những người tiền tiểu đường. Thống kê cho thấy khoảng 29 triệu người ở Hoa Kỳ đang sống chung với bệnh tiểu đường típ 2 và 86 triệu người đang ở ngưỡng tiền tiểu đường được sử dụng ở dạng chiết xuất lô hội, bột lá, bột gel lô hội và nước ép lô hội.
• Mướp đắng (Khổ qua Momordica charantia – Cucurbitaceae)
Y học cổ truyền Trung Quốc và Ấn Độ đã sử dụng mướp đắng trong nhiều thế kỷ. Tiềm năng của mướp đắng là giúp giảm các triệu chứng của bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy mướp đắng làm tăng số lượng tế bào beta trong tuyến tụy nhờ đó tăng sản xuất insulin. Chính nhờ charantin, cấu trúc polypeptide gần giống insulin giúp làm giảm lượng đường trong máu khi tiêm dưới da ở bệnh nhân tiểu đường, hỗ trợ bài tiết insulin khỏe mạnh, cải thiện dung nạp glucose. Ngoài ra, mướp đắng còn chứa alkaloid momordin và acid oleanolic cũng góp phần hạ đường huyết, rất có lợi cho người tiểu đường tuýp 2 nhờ ngăn cản sự hấp thụ đường vào máu.
Mướp đắng tốt cho người bị tiểu đường
Dạng nước ép hoặc bột khô từ mướp đắng hoạt động như insulin giúp hạ đường huyết và quan trọng là mướp đắng có thể giúp chống lại gốc tự do gây hư hại tế bào, ngăn chặn sự xuất hiện chứng đục thủy tinh thể và các biến chứng thứ phát từ bệnh tiểu đường.
• Dây thìa canh (Gymnema sylvestre – Apocynaceae)
Ở Ấn Độ, dây thìa canh được mệnh danh là Gumar “Cây thuốc hủy diệt đường” đã được sử dụng hơn 2000 năm để điều trị bệnh tiểu đường. Theo nhiều nghiên cứu, dây thìa canh có tác dụng kích thích sự phóng thích hormon chuyển hóa đường, ức chế hấp thu đường huyết sau ăn và làm tăng sử dụng glucose ở mô và cơ. Với những tác dụng này, dây thìa canh giúp hạ đường huyết, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường trên tim mạch và kiểm soát cân nặng. Hoạt tính sinh học chính của dây thìa canh là nhờ acid gymnemic, có tác dụng kích thích sản sinh tế bào beta của tuyến tụy, nhờ đó tăng sản sinh insulin, tăng hoạt lực của insulin, giúp cơ thể tái thiết lập được khả năng cân bằng đường huyết tự nhiên. Acid gymnemic còn ức chế hấp thu đường ở ruột do có cấu trúc phân tử gần giống với đường glucose, khi vào đến ruột sẽ cạnh tranh với đường glucose, lấp đầy thụ thể ruột và ngăn không cho hấp thu đường vào máu. Dây thìa canh còn có tác dụng trên gai lưỡi làm người bệnh mất cảm giác thèm đường. Cách dùng chỉ cần 10-20gr phơi khô rửa sạch hãm với nước sôi uống hàng ngày sau ăn 30 phút. Khi dùng nên theo dõi đường huyết thường xuyên để tránh nguy cơ hạ đường huyết quá mức.
• Nhân sâm
Một loại thảo dược được khuyến khích cho bệnh nhân tiểu đường gần đây được nhắc đến nhiều chính là nhân sâm từ một thử nghiệm lâm sàng ở Canada. Nhà nghiên cứu Vladamir Vulksan của Đại học Toronto đã công bố tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) vào tháng 6 năm 2000 rằng ông đã nhận được một số kết quả tích cực khi sử dụng nhân sâm.
Ngoài chế độ điều trị bệnh tiểu đường thông thường, nhóm bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đã uống 3 gram sâm Mỹ và nhóm uống giả dược mỗi ngày trong 8 tuần. Kết quả so sánh nồng độ đường huyết lúc đói của bệnh nhân tiểu đường giảm hơn khoảng 9% khi họ dùng nhân sâm so với nhóm dùng giả dược. Ngày 16 tháng 6 năm 2003 một tạp chí ở New Orleans tuyên bố Hồng sâm Hàn quốc có thể giúp bình thường hóa lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Mặc dù vậy, Vulksan vẫn cảnh báo rằng còn quá sớm để bệnh nhân tiểu đường tin tưởng vào nhân sâm vì nghiên cứu của ông chỉ nhắm vào nhân sâm Mỹ và ông không chắc chắn kết quả sẽ đúng với những giống khác. Tác dụng hạ đường huyết, cũng như kết quả HbA1c là rất tốt. Cần các nghiên cứu quy mô lớn và dài hạn hơn. Nhưng dù sao tác dụng giúp bình thường hóa lượng đường trong máu của nhân sâm cũng chính là mục tiêu quan trọng của điều trị bệnh tiểu đường, và là thảo dược chiến lược tiềm năng, theo lời ông Fran Kaufman, MD, chủ tịch Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ.